Album ảnh

Khắc khoải chữ hiếu


Công Cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một  lòng thờ Mẹ kính Cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Câu ca dao ấy đã đi vào lòng người thật thấm thía, ấy thế mà dường như hòa mình vào xã hội với lối sống xô bồ, cuộc sống nặng gánh mưu sinh nên con người cũng trở  nên ganh ghét đố kỵ, nhỏ nhen, hận thù, và biết bao chuyện trái với đạo lý. Vẫn còn đó những trẻ em cơ nhỡ, lang thang, những người già vẫn bị hắt hủi, sống cuộc đời nay đây mai đó, nhiều người vẫn bỏ bê cha mẹ, xem việc phụng dưỡng mẹ cha như một gánh nặng.

Xã hội  càng phát triển thì dường như sự quan tâm, đùm bọc bằng tình thương lại suy giảm. Nếu như cả xã hội cứ trượt dài như thế thì không biết những bậc lão nghi sinh thành sẽ sống ra sao. Nhưng thật may mắn, đó đây vẫn còn những tấm lòng, những con tim biết mở ra, sẵn sàng sẻ chia, bao bọc mà không sợ vất vả, sẵn sàng cưu mang mà không sợ phiền hà. Tu viện nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn với Viện DƯỠNG LÃO TÌNH THƯƠNG VINH SƠN( nhà nuôi các cụ già neo đơn). Địa chỉ: 469 Nơ Trang Long, phuờng 13, Quận Bình Thạnh là một trong những địa chỉ đó. Tại đây, Các Dì đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho các cụ trong suốt quãng đời còn lại của mình. Từ bình minh ló dạng cho tới hoàng hôn buông xuống, màn đêm kéo về thì các Dì mới có lúc nghỉ ngơi. Chứng kiến tận mắt mới thấy cái tâm tận tụy, chăm lo của  Dì và những người phục vụ nơi đây. Toàn nhà hưu dưỡng hiện có 60 cụ thì 24 cụ đã bị liệt. Hằng ngày, các Dì lo lắng cho các cụ từ ăn uống đến vệ sinh tắm rửa, thậm chí giúp vệ sinh tại chỗ. Tất cả toát lên một tinh thần phục vụ vô vị lợi, một tinh thần phục vụ không tồn tại ranh giới tôn giáo hay dân tộc.

Đây là lần đầu tiên tôi đến với Trung tâm dưỡng lão. Ban đầu cứ nghĩ đơn giản rằng nơi đây chăm sóc các cụ già neo đơn, bệnh tật. Thế thôi! Nhưng khi được Dì phụ trách dẫn đi thăm và giới thiệu về hoàn cảnh của từng người,  thì mọi thứ đã trở nên khác hẳn. Nó đã cuốn hút tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên khi tôi tiếp xúc với các cụ. Tôi đọc được tận sâu trong mắt các cụ rằng họ cần chúng tôi, họ cần những cái nắm tay thân thiện, ân cần. Họ cần biết chừng nào những niềm an ủi, nương tựa, sự chia sẻ, động viên…. Tôi đã tiếp xúc cụ Năm, cụ là người gốc Hoa, trước khi vô đây cụ sống cuộc sống  neo đơn. Cụ không phải là đạo Thiên Chúa, nhưng giờ quay về bên Chúa và Mẹ. Theo tiếng gọi của Chúa để sống phần còn lại trong sự yêu thương của mọi người nơi đây.Quay sang giường bên cạnh tôi tiếp xúc cụ Hồng, sinh năm 1941. Gặp tôi Cụ ngồi dậy bảo rằng: con  chụp cho cụ tấm ảnh được không? Hình ảnh cụ tôi cứ nhớ mãi, cách nói chuyện thân thiện, cụ có nét hao hao giống Bà Nội tôi ngày trước, nhưng giờ Bà Nội tôi cũng đi xa lắm có lẽ giờ ở trên thiên đàng ấy, vẫn dáng người, mái tóc, nụ cuời ấy… Làm cho tôi cứ ngoái đầu nhìn cụ mãi thôi, Cụ còn khá minh mẫn nhưng không có người thân. Nhưng từ khi đến ở  nơi này, có người trò chuyện, có người quan tâm yêu thương chăm sóc. Cụ nói: “Khai sinh ra tôi lần thứ hai chính là nơi này”.

Chia tay Trung tâm hưu dưỡng mà trong lòng tôi vặn lên nhiều câu hỏi. Liệu rằng, ngoài thế giới ồn ào kia không biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, neo đơn như thế này nữa. Rồi họ sẽ đi về đâu, tương lai mù mịt có ai nhớ tới họ không? Sự vô cảm đã đẩy lùi họ khỏi xã hội, đúng hơn là chính chúng ta đã đẩy họ ra khỏi cuộc sống. Tôi lại tự hỏi: Nếu không có trung tâm hưu dưỡng này thì số phận các cụ sẽ đi về đâu và chống chọi với cơn bệnh tật như thế nào? Và chắc gì con đã được nắm tay trò chuyện như thế này.

Tôi viết lên những dòng này để cám ơn quý Dì, những con người phục vụ thầm lặng, quý cô, những người đã không ngại vất vả, khó nhọc để san chia. Tôi hiểu rằng, đang cần nhiều, nhiều lắm những bàn tay yêu thương, biết giang rộng đôi tay để ít là một lần đỡ lấy những người kém may mắn, nhất là khi họ đã đi vào buổi xế chiều. Tôi hiểu rằng nếu mỗi người biết cư xử cho phải đạo thì không còn thấy cảnh những cụ già vẫn lo cuộc sống mưu sinh, bán những tấm vé số để kiếm cơm qua ngày, những cụ già ăn xin ngồi một góc hẻm nhỏ mặc cho mưa gió, những đêm giá rét ngủ bơ vơ ngoài hè chăn không đủ ấm, áo không đủ mặc.

Nói tới đây tôi chợt nhớ lại lời tự tình  rất ý nghĩa và đầy tình hiếu thảo với các bậc sinh thành của PIERRE ANTOINE (Việt kiều Pháp)  : “Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi… Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc… Xin con hãy bao dung!Con hãy nhớ những ngày, giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé…”

Cecilia.

Bình luận về bài viết này