Xây dựng thiện chí thuận hòa.


 SNTM THỨ TƯ SAU CN XXV TN.

 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Ta có thể hình dung ra một khung cảnh khá tấp nập trong khuôn viên nhà ông Lêvi, một khung cảnh khác thường. Nhiều người bạn đồng nghiệp và không đồng nghiệp đã kéo đến nhà ông. Và điều đặc biệt là họ đều được thiết đãi như những thực khách vị vọng, họ “cùng ăn với Người và các môn đệ”.

 Trước hết, xét về mặt quan hệ xã hội, có vẻ như người thu thuế này có một mối quan hệ xã hội khá rộng và có phần phức tạp nữa. Một cách nào đó, việc đông đảo bạn bè kéo đến nhà, khi mà ông vừa đưa ra một quyết định hết sức quan trọng, là từ bỏ một công việc vừa kiếm được nhiều tiền, nhưng cũng là công việc mà đồng bào ông vô cùng phản cảm. Điều đó phần nào nói lên, ông là con người có chỗ đứng “đẹp” trong lòng bạn bè thế nào, dù đó là những bạn bè chẳng lấy gì làm đẹp đẽ trong con mắt của người Do thái. Việc ông thiết đãi bạn bè một cách trọng thị cũng cho phép ta nghiêng chiều về hướng suy nghĩ như vậy. Nhưng điều quan trọng hơn, là việc Đức Giê-su cùng ngồi với họ mà Mattheu nói rõ hơn, là “họ kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ”. Hai động từ “kéo đến” và “cùng ăn” hé lộ cho ta một điều gì đó hơi đặc biệt nữa.

 Ta như có thể đọc thấy nơi khuôn mặt, bước chân của họ một sự ‘rộn ràng’, ‘phấn khích’. Và viêc họ ‘cùng ăn’ nói lên một tư thế chủ động. Rõ ràng ta đang đứng trước một khung cảnh rất hòa đồng, bình đẳng. Một con người như Đức Giê-su, nhất là trong khung cảnh Lêvi vừa quay đầu, chắc hẳn Ngài rất dễ để phải nhận nơi đồng sự của ông một sự khúm núm, khép nép, nhưng ở đây, ta đã không có một chi tiết nào để hình dung ra trạng thái ấy. Điều đó khiến ta phải quay sang nhìn vào Đức Giê-su, hẳn là Ngài đã có cái một sức cuốn hút rất đặc biệt nào đó, sức cuốn hút từ ánh mắt, từ lời mời gọi không chỉ đã khiến Lêvi bỏ ngay bàn thu thuế để đứng lên đi theo Ngài, mà còn trở thành một thông điệp, được khuyếch tán sang cả bạn bè của ông, và nó mạnh đến nỗi, khiến họ phải ‘hồ hởi’ để đến với Người, tiến lại gần Người và nhất là thân mật với Người.

Trên phương diện tâm lý học, ta có thể nghĩ rằng, lúc đó Ngài đã dùng một thuật đắc nhân tâm rất thâm hậu, đến nỗi thuần phục được không chỉ một người, mà là “nhiều người”, không phải một đối tượng, mà là nhiều thành phần phức tạp, cộm cán, anh chị… Và vì thế, nó đã tạo ra một hiệu ứng tương tác rất đồng điệu. Đức Giê-su đã mở lòng ra với họ và họ cũng mang thiện chí để đáp trả lại Ngài. Có thể nói, lúc đó cả hai bên đã đững lên cùng một tiêu chuẩn, một hệ giá trị, điều mà Đức Giê-su gọi là “lòng nhân”. “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”. Có thể nói, hôm nay trong phòng tiệc nhà ông Lêvi, Đức Giê-su chẳng những đã vượt qua điều húy kỵ của người Do thái, mà Ngài còn tỏ ra khá suồng sã với những ‘phường vô lại’. Điều đó khiến các luật sỹ và biệt phái vô cùng thắc mắc về tư cách của Đức Giê-su, và cảm thấy danh dự của người Do thái bị xúc phạm.

Hình như đến đây có điều gì đó chạm đến chúng ta, đến tôi, đến các bạn. Thái độ của các Phariseu thực ra không quá khó hiểu trong bối cảnh hiện thời, Lêvi và đồng nghiệp ông ta là những kẻ tiếp tay cho ngoại bang, bóc lột đồng bào mình, thêm vào đó là phường ô hợp, quân tội lỗi. Nếu nói về danh dự, về sự tự trọng, Đức Giê-su ngồi vào đó trước là tự hạ thấp mình, sau nữa là làm mục đồng bào mình, gây thất vọng cho những người Do thái, mà trực tiếp nhất là đám đông đang đặt đầy sự kỳ vọng vào Ngài, kỳ vọng về một lãnh tụ xuất chúng, giải phóng Israel.

 Thế nhưng, vấn đề có phải Lêvi và đồng đảng đã thực sự là hạng bỏ đi, hay có nguyên nhân nào khác, khiến họ không thể quay về chung lưng đấu cật với đồng bào của mình? Câu trả lời đã khá rõ ràng, Đức Giê-su đã chủ động đến với họ. Ngài đến không phải trong tâm trạng của sự hiềm khích, nhưng là đi tìm một mẫu số nào đó cho phép họ và Ngài có thể đồng bàn với nhau, trò chuyện thân mật với nhau. Đây là điều không dễ dàng chút nào cho những người Do thái nhiệt thành, vì nỗi nhục quốc thể không bao giờ cho phép họ làm điều như vậy. Nói cách khác, họ đã chấp nhận vưt bỏ tình con người với nhau, để hun đúc cho tình cảm quốc gia, dân tộc. Chỉ có điều, đối tượng để vứt bỏ lại là người đồng chủng đồng văn.

 Ở đây, ta cũng không nên trách các Phariseu hay bênh vực phường thu thuế và quân tội lỗi, nhưng điều quan trọng là nhìn ra một bài học tuyệt vời của sự đối thoại. Đức Giê-su đã không đến với họ trong tư thế của một người giảng thuyết, nhưng là tư thế của một người muốn được ngồi xuống, đồng bàn. Ngài tìm lấy một mẫu số chung, để từ đó đi vào những câu chuyện khác trên cơ sở của sự tôn trọng người đối diện với mình. Điều này không có gì mới mẻ, nhất là trong các hoạt động ngoại giao đàm phán. Nhưng cái mới mẻ, cái quan trọng mà Đức Giê-su tìm kiếm không phải là những thỏa thuận song phương hay đa phương, mà Ngài đi tìm lòng nhân. Và vì thế Ngài phải dùng lòng nhân để làm điểm tựa cho việc đối thoại. Hiệu quả của việc đó như thế nào thì mọi người đã rõ.

Chúng ta rút ra được gì từ câu chuyện tin mừng, có lẽ cũng không cần phải đụng chạm đến những chủ đề chính trị to tát, mà ngay trong cuộc sống đời thường, trong quan hệ bề trên bề dưới, trong quan hệ bạn bè với nhau, không ít lần ta thất bại khi muốn giảng hòa với người khác, khi ta không tìm được tiếng nói chung. Phải chăng chúng ta chưa đến với nhau bằng một mẫu số chung. Cái mà ta gọi là ‘thiện chí hòa thuận’ phải chăng vẫn còn thấp thoáng, lẩn khuất màu sắc của cái tôi quá lớn; phải chăng ở đó mỗi người đều đang duy trì cái chủ quan không khoan nhượng, cái chủ quan không chấp nhận phần trách nhiệm, sự thiếu sót nơi mình. Và kết quả, ta không xích lại gần nhau, mà hòa giải chưa kịp hé lộ tia hy vọng, chưa tiến gần đến với nhau được một gang thì đã đẩy nhau ra xa hàng dặm. Cha từ con, vợ chồng bất hòa, anh em tuyệt giao, và nhất là giữa chúng ta và những anh em đồng bào khác, không bao giờ tìm được tiếng nói chung.

 Chúng ta vẫn bàn luận, đưa ra biết bao chủ đề, chương trình truyền giáo nhưng rốt cuộc, có thêm người giáo dân tân tòng nào, thì hoặc là họ tự tìm đến, hoặc vì những lí do hoàn toàn không mang màu sắc đức tin. Lạy Chúa, Chúa dạy con phải lấy lòng nhân để kêu gọi và xây dựng lòng nhân; thánh Phansico Assissi làm gương cho chúng con về tinh thần hòa bình, nhưng rốt cuộc, những quyết tâm, những mong muốn của con vẫn chỉ dừng lại ở một thứ thiện chí thích đổ lỗi cho người khác, rằng vì họ cứng lòng, vì họ cố chấp. Con vẫn tự coi mình là kẻ đã đạt đạo mà thực ra, trong con tình lân ái còn quá mỏng, thậm chí chưa bao giờ có.

Lạy Chúa, xin cho mỗi lần con đứng trước một bất đồng với người anh chị em, hãy khoan tìm lý lẽ để biện minh đúng sai, nhưng trước hết và trên hết, cho con ơn can đảm và sự kiên trì, lấy sự tôn trọng người khác, để cùng họ khơi dậy thiện chí thuận hòa.

Bình luận về bài viết này